Mục tiêu - Chiến lược
Kế hoạch chiến lược phát triển Trường Cao đẳng Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2018 - 2025 và tầm nhìn 2030
CÁC NHÓM CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN
TRƯỜNG CAO ĐẲNG KINH TẾ THÀNH PHỐ HỐ CHÍ MINH
GIAI ĐOẠN 2018 – 2025 VÀ TẦM NHÌN 2030
1. Mục tiêu chiến lược
1.1.Mục tiêu chung
Trường Cao đẳng Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh (HCE): tập trung mọi nguồn lực để cơ bản trở thành trường tiên tiến vào năm 2020, trong đó đặt trọng tâm vào tiếp cận mô hình quản trị hiện đại, quản trị nhân sự theo cơ chế tiến đến tự chủ toàn phần, hội nhập quốc tế theo định hướng ứng dụng của Hệ thống Quản lý chất lượng toàn diện thổng thể (TQM), tạo nền tảng phát huy tài năng và nguồn lực trong và ngoài trường, tiến tới đổi mới mô hình phát triển Trường theo định hướng Nhà trường –Doanh nghiệp. Trường đặt mục tiêu chung là củng cố chất lượng, chương trình đào tạo và nghiên cứu ứng dụng, phát triển cơ sở vật chất và công tác đối ngoại nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ đối với người học; tiếp tục có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế, giáo dục và xã hội của thành phố Hồ Chí Minh, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng.
1.2.Mục tiêu cụ thể
Đến năm 2025, toàn thể CBQL, GV và NV đặt ra mục tiêu xây dựng Trường Cao đẳng Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh trở thành:
- Một trung tâm đào tạo giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, đào tạo những người giỏi nghề, có khả năng ứng dụng nghề nghiệp, có trách nhiệm, nhân văn, tận tâm vì cộng đồng và có khả năng học tập suốt đời;
- Một môi trường học tập toàn diện để mỗi người học có cơ hội phát huy giá trị
bản thân, thành thạo các kỹ năng, sẵn sàng làm việc và hội nhập;
- Một trung tâm nghiên cứu ứng dụng nghề nghiệp, góp phần quan trọng vào việc giải quyết những vấn đề thực tiễn của Thành phố Hồ Chí Minh;
- Một cơ sở liên kết đào tạo nghề có uy tín trong và ngoài nước với các
chương trình liên kết đào tạo nghề, bồi dưỡng và nghiên cứu ứng dụng, chủ động
hội nhập quốc tế;
- Một trung tâm giáo dục nghề nghiệp tự chủ tài chính, có hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đặc biệt mạnh về ứng dụng, công nghệ thông tin và truyền thông (ICT).
2. Các nhóm chiến lược phát triển Trường giai đoạn 2018 - 2025
2.1.Tầm nhìn chiến lược, quản lý và đảm bảo chất lượng
- Rà soát, cập nhật sứ mạng, tầm nhìn và kế hoạch chiến lược của Nhà trường để phù hợp với vị thế của một trường trọng điểm của Thành phố Hồ Chí Minh và bước đầu tiếp cận với khu vực và quốc tế. Đảm bảo tầm nhìn, sứ mạng, chiến lược và mục tiêu phải được công khai và đưa vào trong các hoạt động của Nhà trường;
- Quản lý Nhà trường một cách khoa học, hiệu quả và minh bạch trên cơ sở xác định rõ nhiệm vụ và chức năng của từng đơn vị trong Nhà trường. Đơn giản hóa các thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả hoạt động của Nhà trường;
- Đánh giá đúng năng lực đội ngũ, đảm bảo tính khách quan, minh bạch, tạo động lực phát triển cho đội ngũ;
- Xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng và phát huy tốt công tác đảm bảo chất lượng của Nhà trường;
- Quản lý cán bộ, nhân viên, giảng viên và người học chặt chẽ bằng cơ sở dữ liệu điện tử.
2.2. Đào tạo nghề
- Đảm bảo các chương trình đào tạo nghề đáp ứng được sứ mạng, mục tiêu và định hướng ứng dụng nghề nghiệp của Nhà trường, lấy được ý kiến phản hồi của các bên liên quan, đặc biệt là các đơn vị sử dụng người tốt nghiệp và đáp ứng được yêu cầu của xã hội;
- Rà soát, cập nhật và nâng cao chương trình đào tạo nghề để đáp ứng các yêu cầu nghề nghiệp của thành phố Hồ Chí Minh, của ngành và từng bước tiếp cận với các chương trình đào tạo nghề của khu vực và thế giới. Phát triển các chương trình đào tạo nghề và liên kết đào tạo nghề mới để đáp ứng đúng tầm nhìn và sứ mạng của Nhà trường và hội nhập quốc tế;
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy bằng việc phát triển hệ thống đào tạo nghề trực tuyến;
- Xây dựng quy trình rà soát, đánh giá, kiểm định chương trình đào tạo nghề hướng đến việc làm đơn vị điển hình để các trường cao đẳng khác tham khảo;
- Bổ sung các chương trình đào tạo nghề đáp ứng đúng tầm nhìn và sứ mạng của Nhà trường.
- Tăng cường thực hành, thực tập trong các chương trình đào tạo nghề nhằm gia tăng cơ hội trải nghiệm và phát triển nghề nghiệp của sinh viên, đồng thời, cân đối hợp lý giữa thời lượng lý thuyết và thực hành trong các chương trình đào tạo nghề, gắn kết với chuẩn đầu ra.
2.3. Dịch vụ người học
- Đổi mới phương thức và quy trình tuyển sinh để thu hút được người học phù hợp, đặc biệt chú trọng đến các đối tượng vừa tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS), có đủ năng lực để học tập trong các chương trình đào tạo nghề;
- Thực hiện công khai thông tin về lộ trình học tập, các chính sách chuyển đổi và công nhận tín chỉ/module trong đào tạo nghề liên thông giữa các ngành học với nhau và giữa các trường đại học trong và ngoài nước. Phấn đấu đến việc có những học phần, chương trình đào tạo nghề được công nhận và chuyển đổi với các trường đại học, cao đẳng trong nước và quốc tế để tạo điều kiện tốt nhất cho người học hội nhập quốc tế.
- Đảm bảo đánh giá kết quả học tập của người học đảm bảo tính chính xác, công bằng, minh bạch, phù hợp với mục tiêu học tập và chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo nghề.
- Đảm bảo gắn kết giữa cựu người học với Nhà trường
2.4. Nghiên cứu ứng dụng
- Đẩy mạnh hiệu quả nghiên cứu và triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tế, đặc biệt chú trọng đến phát triển các nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực kinh tế và xã hội. Phấn đấu trở thành trung tâm ứng dụng nghề nghiệp kiểu mẫu tại thành phố Hồ Chí Minh và cả nước;
- Nâng cao hiệu quả quản lý nghiên cứu ứng dụng trên nền tảng sử dụng ICT để quản lý và số hoá, xây dựng các cơ sở dữ liệu nghiên cứu của Nhà trường;
- Xây dựng chính sách hỗ trợ cán bộ, giảng viên và người học nâng cao chất lượng và số lượng nghiên cứu ứng dụng;
- Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác nghiên cứu ứng dụng nghề nghiệp với các trường cao đẳng trong và ngoài nước nhằm nâng cao vị thế của Nhà trường.
2.5. Hoạt động đối ngoại và truyền thông
- Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện các khóa đào tạo nghề và bồi dưỡng thường xuyên cho các đối tượng có nhu cầu ngoài Trường, đặc biệt là trong các doanh nghiệp, nhằm thực hiện sứ mạng và nhiệm vụ của Nhà trường;
- Phối kết hợp với các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài nước, các doanh nghiệp và các bên có liên quan để triển khai các hoạt động và tổ chức các sự kiện
phát triển nghề nghiệp và giới thiệu việc làm;
- Xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển các chương trình liên kết đào tạo nghề,
bồi dưỡng và nghiên cứu ứng dụng với các trường đại học, cao đẳng và các đối tác nước ngoài để nâng cao chất lượng đào tạo nghề và chủ động hội nhập quốc tế;
- Xây dựng chính sách và triển khai thực hiện để cán bộ quản lý, giảng viên,
nhân viên và người học đạt mức thông thạo ngoại ngữ theo quy định;
- Lập kế hoạch nghiên cứu, chuyển giao khoa học, công nghệ và truyền thông với các địa phương khu vực phía Nam;
- Tạo ra môi trường trao đổi và hội nhập quốc tế trong đào tạo nghề và nghiên cứu ứng dụng;
- Xây dựng kế hoạch giao lưu, truyền thông vào công bố thông tin về đội ngũ,
chất lượng đào tạo nghề, tỷ lệ người học tốt nghiệp có việc làm trên toàn quốc.
2.6. Môi trường giáo dục và nguồn lực
- Đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiện đại trong một môi trường dạy và học nhằm
phát huy tối đa quyền được làm việc, cống hiến, phát triển của người lao động, hệ thống các công trình phục vụ với chất lượng tốt và được định kì rà soát, cải tiến, phù hợp với sứ mạng, tầm nhìn và mục tiêu giáo dục của Nhà trường;
- Bước đầu thiết lập cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và trang thiết bị đảm bảo
sự phát triển của E-learning và đào tạo nghề từ xa;
- Đánh giá hiệu quả sử dụng nguồn kinh phí, quản lý việc sử dụng nguồn thu và nguồn chi và đề xuất các giải pháp phát triển nguồn thu giai đoạn 2018-2025, chuẩn bị cho giai đoạn đến 2030;
- Cải tiến chế độ đãi ngộ, chính sách tiền lương để phát huy nội lực sẵn có và
thu hút thêm nhiều GV giỏi về làm việc;
- Xây dựng kế hoạch tuyển dụng, sử dụng nguồn nhân lực minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả để phát triển đội ngũ xuất sắc; Đảm bảo chính sách xây dựng và phát triển
đội ngũ hợp lý, công khai, minh bạch, gắn với sứ mạng của Nhà trường.

